Hành tây là một loại thực vật thuộc họ Hành. Loại củ có lớp vỏ màu nâu, trắng hoặc đỏ này là một thành phần không thể thiếu của nhiều món ăn trên thế giới bởi mùi vị hăng và khả năng gây kích thích vị giác. Hành tây có chứa rất ít calorie và giàu vitamin C. Nó cũng chứa rất nhiều các hoạt chất có tác dụng chống viêm và chống oxy hóa vô cùng độc đáo.
Những lợi ích về mặt dinh dưỡng của hành tây
Nguồn cung cấp dồi dào các hợp chất flavonoid
Hành tây là một trong những loài cây có chứa nhiều flavonoid và các hợp chất từ thực vật có lợi cho sức khỏe nhất. Đây là những hợp chất polyphenolic có khả năng làm giảm nguy cơ ung thư, bệnh tim mạch và các bệnh viêm nhiễm.
Flavonoid là các hợp chất có tác dụng chống oxy hóa mạnh đã được biết đến từ lâu. Chất chống oxy hóa giúp trì hoàn hoặc làm chậm lại các tổn thương tế bào do quá trình oxy hóa diễn ra trong cơ thể. Flavonoid tập trung nhiều nhất ở phần thịt ngoài cùng của hành tây, do vậy khi chế biến lưu ý đừng bỏ đi quá nhiều phần này nhé.
Một trong những flavonoid quan trọng bậc nhất trong hành tây chính là quercetin. Quercetin đã được nghiên cứu khá rộng rãi về đặc tính chống ung thư của nó. Một nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng quercetin giúp làm chậm sự phát triển của các khối u trên chuột mắc bệnh ung thư tụy.
Quercetin cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp hạ huyết áp. Huyết áp cao là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây nên các bệnh tim mạch như:
Đột quỵSuy timBệnh mạch vànhBệnh động mạch ngoại biên
Chứa hàm lượng cao các hợp chất lưu huỳnh hữu cơ
Hành tây có chứa rất nhiều các hợp chất có lưu huỳnh. Chính lưu huỳnh là nguyên nhân mang lại mùi vị hăng khá đặc biệt cho hành tây. Tuy nhiên, các hợp chất lưu huỳnh này còn có hiệu quả giảm viêm tuyệt vời và thậm chí giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh hen phế quản, viêm khớp và bệnh tim mạch.
Một nghiên cứu tổng hợp vào năm 2010 xuất bản trên tạp chí Molecular Aspect of Medicine đã chỉ ra rằng việc tiêu thụ thường xuyên các hợp chất lưu huỳnh hữu cơ có trong hành tây và tỏi có thể giúp phòng tiến triển của các bệnh tim mạch. Hợp chất thiosulfinate trong hành tây được cho là một chất chống đông máu tự nhiên có thể giúp ngăn ngừa sự hình thành của các cục máu đông trong lòng mạch, do vậy làm giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Rất giàu crôm
Hành tây có chứa một lượng lớn khoáng chất crôm ở dạng vết. Crôm là thành phần có khả năng hỗ trợ điều hòa đường huyết và tăng cường hoạt tính của hormon insulin. Nó đồng thời cũng tham gia trực tiếp vào các quá trình chuyển hóa của carbohydrate, chất béo và protein. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những bệnh nhân bị kháng insulin hay mắc tiểu đường type 2.
Nguồn cung cấp vitamin C
Hành tây cũng là nguồn cung cấp cực dồi dào vitamin C. Vitamin C là một chất chống oxy hóa quen thuộc và đóng vai trò quan trọng đối với chức năng miễn dịch của cơ thể. Vitamin C cũng có tác dụng cải thiện hấp thu sắt không hem. Sắt không hem là một loại sắt có mặt trong một số thực phẩm từ thực vật như rau bina. Món rau bina xào hành tây là một món ăn rất bổ dưỡng giúp phòng bệnh thiếu máu do thiếu sắt.
Cải thiện mật độ xương
Một vài nghiên cứu đã chứng minh mối liên hệ giũa lượng hành tây tiêu thụ và mật độ của xương. Tác dụng này đặc biệt có lợi hơn đối với những phụ nữ sắp bước vào thời kỳ mãn kinh, đây là những đối tượng dễ bị suy giảm mật độ xương dẫn đến bệnh loãng xương.
Một nghiên cứu ở đối tượng phụ nữ trên 50 tuổi đã chứng minh những phụ nữ ăn hành tây ít nhất 1 lần/ngày có mật độ xương cao hơn khoảng 5% so với những người ăn hành tây ít hơn 1 lần/tháng. Các nhà khoa học cũng nhận thấy rằng những người thường xuyên tiêu thụ hành tây có giảm nguy cơ gãy xương hông tới hơn 20% so với những người không ăn hành tây.
Bổ sung hành tây vào chế độ ăn
Nhiều người khá e ngại khi phải cắt hành tây do các hợp chất lưu huỳnh khiến họ thường xuyên bị chảy nước mắt. Để hạn chế tình trạng này, hãy để hành tây vào ngăn lạnh trước khi chế biến khoảng 1 giờ.
Việc làm lạnh sẽ giúp làm giảm hoạt tính của các enzyme tham gia vào quá trình tạo ra allyl sulfate là hợp chất khiến chúng ta bị chảy nước mắt. Tuy nhiên nếu không có nhiều thời gian, bạn có thể sử dụng một chiếc kính bảo hộ để bảo vệ mắt khi thái hành tây.
Hành tây là một loại rau gia vị có thể thêm vào bất cứ món ăn nào từ súp, món hầm, món xào hay các loại nước sốt. Nó cũng có thể được sử dụng để trang trí cho các món ăn, hoặc làm món ăn phụ tuyệt vời. Các hợp chất flavonoid chủ yếu tập trung ở phần thịt ngoài cùng ngay sau lớp vỏ. Do vậy, để mang lại hiệu quả tốt nhất cho sức khỏe, hãy loại bỏ phần thịt càng ít càng tốt và đợi 5 phút trước khi chế biến.
Hành tây có thể ăn sống hay nấu chín. Hành tây sống thường có bị cay hăng rất mạnh, trong khi hành khi được xào nấu lại thường có vị ngọt nhiều hơn. Hãy thử chế biến hành tây thành bất cứ món ăn nào mà bạn yêu thích bởi chúng vừa ngon, vừa có lợi cho sức khỏe.
Đã đến lúc gạt bỏ nỗi e ngại khi phải cắt và chế biến hành tây rồi bởi nó mang lại nhiều tác dụng vô cùng có lợi. Các chất chống oxy hóa, vitamin C, flavonoid và nhiều thành phần khác trong hành tây có thể giúp:
Giảm nguy cơ bị đau tim, đột quỵ và ung thưGiảm viêm nhiễmCải thiện nồng độ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đườngDuy trì một khung xương chắc khỏeKích thích hệ miễn dịchPhòng bệnh thiếu máu do thiếu sắt
Các món súp, trứng omelet và các món ăn phụ sẽ chưa thể hoàn hảo nếu thiếu hành tây. Do vậy, khi đi chợ, bạn đừng quên bỏ thêm hành tây vào giỏ thực phẩm của gia đình nhé.
Liên Hương - Viện Y học Ứng dụng Việt Nam